BÀN VỀ KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2025

Mùa hè năm 2024 sẽ diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Năm 2025, khóa học sinh THPT đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tốt nghiệp. “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra như thế nào?” là câu hỏi đến nay (1/2023) vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

             I. Đặc điểm cơ bản của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 chia quá trình học tập của học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 theo 2 giai đoạn (Luật Giáo dục 2019 - điều 28, 29; Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GDĐT ban  hành Chương trình giáo dục phổ thông)

- Giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 nhằm cung cấp “học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học THPT hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp” (Luật Giáo dục 2019, điều 29). Giáo dục tiểu học là Giáo dục bắt buộc, Giáo dục THCS là Giáo dục phổ cập (Luật Giáo dục 2019, điều 14).

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12 nhằm “hoàn thiện học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động xây dựng bảo vệ Tổ quốc” (Luật Giáo dục 2019, điều 29). Đây là giai đoạn định hướng nghề nghiệp sớm từ lớp 10.

Thực hiện mục tiêu định hướng nghề nghiệp nên ngay từ lớp 10 chương trình giáo dục mới bậc THPT được tổ chức như sau:

- Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, GDQP-AN.

- Các hoạt động giáo dục bắt buộc: Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục địa phương.

- Các môn học lựa chọn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, GDKT&PL, Tin học, Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc. Học sinh chọn học 4 môn.

- Các cụm chuyên đề lựa chọn: Trừ môn Ngoại ngữ, các môn học còn lại đều có các chuyên đề (3 chuyên đề/môn học) nhằm đi sâu vào kiến thức môn học định hướng nghề nghiệp. Học sinh chọn học 3 cụm chuyên đề.

- Môn học tự chọn: Ngoại ngữ 2 (nếu học sinh có nguyện vọng, nhà trường có điều kiện tổ chức).

Mỗi học sinh THPT được học tập với nội dung sau:

6 môn học bắt buộc + 2 hoạt động giáo dục bắt buộc + 4 môn học lựa chọn + 3 cụm chuyên đề lựa chọn (tổng 9 chuyên đề) + Môn học tự chọn (nếu học sinh có nguyện vọng).

Như vậy, việc lựa chọn môn học và lựa chọn các cụm chuyên đề dẫn tới chương trình học tập của học sinh rất đa dạng. Đây chính là mục đích của Chương trình GDPT 2018 hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp tương lai trong xã hội. Đây cũng chính là điểm mới nổi bật nhất của Chương trình GDPT 2018.

           II. Không thể và không cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT 2018

Với cách tổ chức đào tạo theo Chương trình GDPT 2018, khi học hết lớp 12 học sinh có vốn kiến thức văn hóa khác nhau theo các chương trình khác nhau (có thể xem đây là chương trình học tập cá nhân). Chính vì vậy không thể và không cần tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Bộ GDĐT.

Không thể là vì học sinh học với nhiều môn lựa chọn khác nhau nên tổ chức thi đại trà cho khoảng 1 triệu học sinh lớp 12 cả nước rất phức tạp và tốn kém về nhân  lực, tài lực, thời gian (ví dụ: Không thể thi môn TD, Âm nhạc, Mỹ thuật…).

Không cần là vì mục đích của Chương trình THPT là định hướng phát triển nghề nghiệp nên việc học của học sinh chính là sự chuẩn bị hành trang kiến thức cho các nghề nghiệp tương lai

Trong thực tiễn nếu tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đến lớp 12 (thậm chí có thể sớm hơn từ lớp 10, 11) học sinh chỉ tập trung học các môn thi tốt nghiệp nên sẽ phá vỡ mục tiêu định hướng nghề nghiệp. Và nếu như vậy thì Chương trình GDPT 2018 sẽ thất bại.

Từ đó xin kiến nghị:

1. Khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình GDPT 2018 (từ năm 2025) thì Hiệu trưởng Trường THPT xác nhận hoàn thành chương trình THPT sau đó Giám đốc Sở GD&ĐT cấp Bằng tốt nghiệp THPT. Cách làm này tương tự như lớp 9 hiện nay: Hiệu trưởng THCS xác nhận học sinh hoàn thành chương trình THCS, Trưởng phòng GDĐT quận, huyện cấp Bằng tốt nghiệp THCS.

- Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế về việc đánh giá kết quả hoàn thành chương trình THPT và cấp Bằng tốt nghiệp THPT. Bộ GDĐT và Sở GDĐT thanh tra, kiểm tra việc thực hiện.

Do chương trình học tập đa dạng nên cần nghiên cứu việc học và kiểm tra theo hình thức tín chỉ, học sinh hội tụ đủ các tín chỉ cần thiết theo quy định sẽ được công nhận hoàn thành chương trình THPT.

2. Để đảm bảo chất lượng và đánh giá đúng trình độ học vấn phổ thông của học sinh sau khi học xong THCS cần tổ chức một kỳ thi nghiêm túc gọi là Kỳ thi tốt nghiệp THCS = Kỳ thi tốt nghiệp Chương trình giáo dục cơ bản/Chương trình giáo dục phổ cập.

- Sở GD&ĐT các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi, ra đề thi và xét duyệt kết quả thi.

- Trưởng phòng GDĐT quận, huyện cấp Bằng tốt nghiệp THCS = Bằng tốt nghiệp Chương trình giáo dục cơ bản/Chương trình giáo dục phổ cập.

- Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi và giám sát, thanh tra việc tổ chức thi.

- Bằng tốt nghiệp THCS  là cơ sở để chủ động phân luồng từ phía người học và từ nhu cầu xã hội vì vậy nên phân loại trình độ: Giỏi, Khá, Trung bình. Có thể xem đây là chìa khóa để phân luồng sau THCS (ví dụ: Học sinh tốt nghiệp loại Giỏi, Khá có thể học lên THPT để vào các trường ĐH, CĐ, tốt nghiệp loại Trung bình vào học nghề) hoặc bước vào cuộc sống tự lập.

Như vậy cần thiết phải trở lại tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THCS như nó đã từng tồn tại trước đây.

3. Về việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, trường nghề.

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ: các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm cơ sở để xét tuyển. Đây cũng chỉ là một trong các phương thức xét tuyển (xét qua học bạ, thi tuyển…).

Nếu không tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì các trường ĐH, CĐ mất đi một phương thức tuyển sinh (căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp). Điều này có thể tạo ra cú hích cho các trường ĐH, CĐ tìm ra phương thức xét tuyển (hoặc thi tuyển) phù hợp với mục tiêu yêu cầu đào tạo ngành nghề của nhà trường theo Luật Giáo dục đại học 2018 (các trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh). Hiện nay ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐHSP Hà Nội đã tổ chức thi tuyển riêng từ năm 2022 (thi kiểm tra năng lực, …).

Khi nội dung đào tạo bậc THPT đã thay đổi theo định hướng nghề nghiệp thì các trường ĐH, CĐ nên lựa chọn phương án tuyển sinh sớm từ khi học sinh còn đang học THPT để học sinh có định hướng rõ ràng, sát thực hơn. Cần tiến tới xây dựng một cơ chế tuyển sinh mới gắn kết trường ĐH với trường phổ thông đáp ứng nhu cầu học tập và hướng  nghiệp đa dạng của học sinh và sự phù hợp mục tiêu đào tạo  nghề của các trường ĐH, CĐ. Một cơ chế liên thông đào tạo nghề phổ thông - ĐH sẽ dần hình thành.

Theo các đề xuất này vừa đảm bảo vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, phân cấp mạnh về quản lý giáo dục cho các Sở GD&ĐT, các trường phổ thông, các trường ĐH-CĐ; tăng quyền tự chủ của các nhà trường trong việc đảm bảo tổ chức đào tạo và chất lượng đào tạo. Cơ chế mới này cũng đảm bảo tính phân luồng mạnh sau THCS, phân luồng sâu sau THPT diễn ra phù hợp với sự phát triển KT-XH của từng địa phương và cả nước.

Phương án trên đáp ứng đúng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của BCH Trung ương (khóa XI) và Nghị quyết của Quốc hội về Đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông.

            III. Quy định hiện hành về cấp Bằng tốt nghiệp THCS và Bằng tốt nghiệp THPT.

Hiện nay Luật Giáo dục 2019 quy định về việc cấp văn bằng tốt nghiệp THCS, THPT cho học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên như sau:

Điều 34 Xác nhận  hoàn thành chương trình tiểu học, THPT và cấp văn bằng tốt nghiệp THCS, THPT:

   … 2. Học sinh học hết chương trình THCS đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT  thì người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS.

  1. Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT”. (Chữ in đậm do tác giả nhấn mạnh).

“Điều 45. Đánh giá, công nhận kết quả học tập (đối với học viên GD thường xuyên)

   … 3. Học viên học hết chương trình phổ thông quy định tại điểm D khoản 1 điều 43 của Luật này đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT”. (Chữ in đậm do tác giả nhấn mạnh).

Như vậy để được cấp Bằng tốt nghiệp THCS, học sinh chỉ cần học hết chương trình THCS, đủ điều kiện thì được cấp bằng tốt nghiệp THCS (không phải thi), để được cấp bằng tốt nghiệp THPT học sinh phải học hết chương trình THPT đủ điều kiện và phải qua kỳ thi.

          IV. Đề nghị sửa đổi điều 34, 45 Luật Giáo dục 2019.

Để tạo cơ sở pháp lý thực hiện đề xuất về không thi tốt nghiệp THPT, xin đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi điều 34, 45 của Luật  Giáo dục 2019 như sau:

*Nội dung sửa đổi điều 34 đối với học sinh bậc THCS, THPT:

  1. Học sinh học hết chương trình tiểu học có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được Hiệu trưởng trường tiểu học cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học.
  2. Học sinh học hết chương trình THCS đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT phải tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THCS do Sở GD&ĐT tổ chức. Trưởng phòng GD&ĐT cấp Bằng tốt nghiệp THCS, xác nhận đã hoàn thành Chương trình giáo dục cơ bản cho học sinh.
  3. Học sinh học hết chương trình THPT có đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT thì được Hiệu trưởng Trường THPT xác nhận hoàn thành chương trình THPT, Giám đốc Sở GDĐT cấp Bằng tốt nghiệp THPT.

*Nội dung sửa đổi điều 45 đối với học viên giáo dục thường xuyên.

  1. Học viên học hết chương trình giáo dục THCS quy định tại điểm d khoản 1 điều 43 của Luật này đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT thì phải tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THCS do Sở GD&ĐT tổ chức, Trưởng phòng GD&ĐT cấp Bằng tốt nghiệp THCS xác nhận đã hoàn thành Chương trình giáo dục cơ bản cho học viên.
  2. Học viên học hết chương trình phổ thông quy định tại điểm d khoản 1 điều 43 của Luật này đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT thì được Giám đốc Trung tâm GDTX xác nhận hoàn thành chương trình THPT, Giám đốc Sở GDĐT cấp Bằng tốt nghiệp THPT.

Việc sửa đổi điều 34, 45 của Luật Giáo dục 2019 là một việc rất khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên nếu thấy hợp lý và là yêu cầu cấp bách khách quan của cuộc sống và để đảm bảo Chương trình GDPT 2018 thành công thì Bộ GDĐT và Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi cho phù hợp. Việc sửa đổi này chỉ sửa đổi một số nội dung trong điều 34, 45 chứ không phải xem xét sửa đổi tổng thể Luật  Giáo dục như đã thực hiện trong các năm 2018-2019.

           V. Tiến tới khôi phục kỳ thi tốt nghiệp THCS và không tổ chức thi tốt nghiệp THPT

Để phù hợp với mục đích yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 và phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay xin kính đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nên xem xét, quyết định thực hiện từ năm 2025 (năm đầu tiên có học sinh lớp 9, 12 hoàn thành Chương trình GDPT 2018) các việc sau:

  1. Khôi phục lại kỳ thi tốt nghiệp THCS để đánh giá chất lượng giáo dục cơ bản/giáo dục bắt buộc và cấp Bằng tốt nghiệp THCS.
  2. Không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chuyển sang xác nhận hoàn thành chương trình THPT và cấp Bằng tốt nghiệp THPT.

Những quyết định này rất quan trọng có tác dụng định hướng việc tổ chức đào tạo ở bậc THCS và bậc THPT theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, vì vậy xin kính đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Bộ GDĐT) khẩn trương xem xét, quyết định phù hợp với cuộc sống và xu thế phát triển giáo dục của Việt Nam và thế giới.

TS. Võ Thế Quân

Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng trường

Trường THTP Đông Đô